Biểu hiện rõ nhất của nền kinh tế là đã không thành công trong việc “chống đô la hóa”, thất bại trong việc giảm lãi suất tín dụng, vực dậy lòng tin của các nhà đầu tư. Triển vọng sắp tới của nền kinh tế cũng chưa thấy sáng, đặc biệt nạn thiếu điện được dự báo sẽ tiếp tục căng thẳng hơn. Trong bối cảnh không sáng sủa, thì nông nghiệp lại tiếp tục được kỳ vọng là phao đệm cho nền kinh tế.
Trong hoàn cảnh như vậy thì thông tin Vinafood 2, con chim đầu đàn về xuất khẩu gạo của VN bất ngờ tụt hạng làm nhiều người giật mình. Tháng 8/2010, doanh số của Vinafood 2 chỉ 15,6 triệu USD, giảm 88% so với tháng trước. Nguyên nhân của sự chao đảo này là từ việc Philippines, thị trường chiếm tới 41% lượng gạo xuất khẩu của VN ngưng nhập khẩu. Nhưng may sao mới đây Indonesia lại nhập 500.000 tấn nên đã vực dậy được sức mua.
Hy vọng vào một thị trường lúa gạo sôi động với dự kiến VN sẽ bán được hơn 7 triệu tấn gạo trong năm 2010 càng được củng cố khi tại hội nghị của tổ tư vấn về hợp tác nghiên cứu lúa gạo châu Á (CORRA) ở Hàn Quốc ngày 11 và 12/10 vừa qua dự báo giao dịch lúa gạo vẫn ở mức cao do sản lượng toàn cầu bị suy giảm (lũ lụt ở Pakistan, mất mùa ở Ấn Độ, giảm sản lượng ở Trung Quốc và Mỹ).
Tuy nhiên khả năng sốt gạo nói riêng và lương thực nói chung khó xảy ra vì tất cả các nước đều có mức dự trữ “tốt nhất trong lịch sử”. Một khía cạnh khác, do thiếu ngô nên một số Cty chế biến thức ăn gia súc đang có kế hoạch dùng gạo thay thế một phần cho ngô. Vấn đề còn lại của Vinafood 2 nói riêng và lúa gạo VN nói chung là giá bán bao nhiêu thì thị trường chấp nhận.
Yếu thế của lúa gạo VN
Mặc dù Bộ Công thương cho biết việc Philippines ngưng nhập khẩu gạo là đã được dự liệu từ trước và đã có kịch bản, tuy nhiên với một thị trường chiếm tới 41% thì việc tìm kiếm thị trường khác thay thế không phải là dễ dàng. Thị trường châu Phi và một số nước kém phát triển là đích ngắm của lúa gạo Việt Nam thay thế cho Philippines, tuy nhiên kết quả xuất khẩu sang các nước này vẫn là rất nhỏ. Theo số liệu của hải quan thì lượng bán cho Ghana chỉ 2,1%, Angola 2%, Bangladesh 2,1%, Bờ biển ngà 3,4%…
Ngoài ra còn có thể có một bất ngờ khác ngoài dự kiến đó là việc sát nhập của 2 đại gia buôn bán lúa gạo quốc tế là Louis Dreyfus với Olam International trở thành một siêu tập đoàn. Châu Phi, Mỹ là thị trường truyền thống của 2 đại gia này nên việc các công ty VN mở rộng thị trường và bán trực tiếp cho các nước trên với giá cao có thể là hết sức khó khăn. Từ lâu các doanh nghiệp VN cố gắng thoát khỏi bàn tay chuyên mua gạo với giá thấp của 2 đại gia này nhưng xem ra vẫn chưa thành công và sắp tới càng khó thành công.
Bên cạnh đó việc Thái Lan đang có những cải cách nhằm tăng sức cạnh tranh với VN cũng chưa thấy được báo cáo nào đề cập.
Có nên học Thái Lan?
Xét về năng suất thì Thái Lan thua hẳn VN, vì năng suất VN đạt tới 5,4 T/ha, còn Thái Lan chỉ gần 3 T/ha. Thái Lan chỉ làm 2 vụ, còn VN làm tới 3 vụ. Tuy nhiên nếu xét về giá bán thì gạo VN thua xa Thái Lan, chỉ trừ gạo giống Nhật, còn lại các loại gạo cho dù cao cấp hay thấp cấp đều chỉ bằng gạo trắng loại thường của Thái, trong lúc đó cơ cấu gạo trắng của Thái chỉ khoảng 70%, còn lại gạo Khaowdakmali và gạo thơm chiếm tới 30% với giá bán cao gần gấp 2 so với gạo trắng.
Bình quân đất trồng lúa của Thái gấp hơn 3 lần VN, nên VN không thể cạnh tranh với Thái về gạo chất lượng cao. Tuy nhiên cần học Thái Lan về việc đa dạng hóa sản phẩm. Trong cơ cấu thị trường của Thái Lan thấy chỉ có 30% là thị trường lớn, tập trung còn lại đều là thị trường phân tán, trong lúc đó thị trường lớn và tập trung của VN lại chiếm đến 80%, nên việc Philippines rút khỏi danh sách bạn hàng chiến lược đã được báo trước nhưng vẫn không thể né được cơn sốc.
Trước đây vì chỉ tập trung cho các thị trường lớn nên gạo VN chủ yếu là loại cấp thấp (chỉ có 2,7% gạo có chất lượng cao), nay muốn mở rộng thị trường thì buộc phải thay đổi cơ cấu này, tăng dần lượng gạo cao cấp, đa dạng hóa sản phẩm. Diện tích giành cho sản xuất lúa chất lượng cao của VN không nhiều, chỉ vào khoảng trên 100.000 ha ven biển từ Bến Tre đến Kiên Giang. Đây là vùng luân canh một vụ tôm và một vụ lúa với những giống địa phương rất ngon, thế nhưng hiện tại vẫn cứ sản xuất manh mún, không giống thuần nhất, không có bao tiêu đặt hàng và đang bị lúa lai xé ra từng mảnh nhỏ.
Mặt khác, nếu tìm kiếm được thị trường và lựa chọn giống phù hợp thì vùng ngọt ven sông Tiền, sông Hậu vẫn có thể sản xuất được đặc sản ngắn ngày mà gạo giống Nhật đang được bán với giá 870 USD/T là một minh chứng.
Theo Nông nghiệp Việt Nam